Di tích, lễ hội vùng ĐBSCL: Nỗi lo tràn ngập  rác thải nhựa

VHO- Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tăng cường sản phẩm thân thiện với môi trường tại các di tích và lễ hội vùng ĐBSCL” do Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhận định: Tình trạng ô nhiễm do rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng được coi là vấn nạn tồn tại dai dẳng tại các điểm du lịch, điểm di tích.

Di tích, lễ hội vùng ĐBSCL: Nỗi lo tràn ngập  rác thải nhựa - Anh 1

 Chợ nổi là nét đẹp riêng của Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nơi đây cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

 Sự thiếu ý thức của một bộ phận đã khiến lễ hội tràn ngập rác

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức hội thảo, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc. Hưởng ứng phong trào này của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức quản lý khu vực ĐBSCL đã thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chống chất thải nhựa bằng nhiều hình thức, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. “Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa sử dụng một lần ở các khu di tích sau khi các lễ hội diễn ra vẫn đang là một thực tế cần quan tâm. Các hoạt động tăng cường sản phẩm thân thiện với môi trường tại các di tích và lễ hội vùng ĐBSCL chưa thật sự mạnh mẽ và thu hút…”, ông Dũng bày tỏ.

TS Mai Hà Phương, nguyên Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đưa ra thống kê: Trong năm 2019, toàn vùng ĐBSCL đã đón khoảng 47 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Các địa phương có lượng khách du lịch đến nhiều là: An Giang khoảng 9,2 triệu lượt; TP Cần Thơ khoảng 8,8 triệu lượt; Kiên Giang với gần 8,8 triệu lượt; Đồng Tháp khoảng 3,9 triệu lượt… Một số di tích và lễ hội thu hút lượng khách du lịch lớn là: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ (tỉnh An Giang); lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc (Cà Mau); trại giam Phú Quốc, đền thờ Nguyễn Trung Trực, chùa Hang (Kiên Giang); di tích Chùa Âng - Ao Bà Om (Trà Vinh); Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà Công tử Bạc Liêu (Bạc Liêu); chùa Vĩnh Tràng, di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang); một số chùa ở tỉnh Sóc Trăng: Chùa Kh’Leang, chùa Dơi, chùa Đất Sét; chợ nổi Cái Răng, Trúc lâm Thiền viện Phương Nam (TP Cần Thơ); Khu di tích Xẻo Quýt, khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp);… Cũng theo ông Phương, ở Việt Nam, sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là sản phẩm nhựa sử dụng một lần đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày của người dân cũng như trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại các di tích và lễ hội trên khắp cả nước. Điều này đã làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến.

Bàn về việc nâng cao nhận thức cộng đồng tại địa phương, giảng viên Huỳnh Điệp Như, Trường ĐH Trà Vinh chia sẻ, thực tế cho thấy trong quá trình tham gia lễ hội tại chùa hay các điểm tổ chức lễ hội, người dân đã để lại cho địa phương nhiều hệ lụy về môi trường, đặc biệt là cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên. Sự thiếu ý thức của người dân đã biến nơi diễn ra lễ hội thành “đống rác” khổng lồ với nhiều chủng loại và đặt biệt là các sản phẩm dùng một lần để gói, đựng thức ăn, nước uống… điều này gây mất vệ sinh, mất mỹ quan và tạo ra bầu không khí bị ô nhiễm cho địa phương mà phải qua một thời gian dài sau đó mới có thể khôi phục lại hiện trạng vốn có của nó.

Giải pháp nào?

Theo các chuyên gia, ĐBSCL là khu vực có nền địa hình khá thấp so với các vùng khác trên cả nước. Vùng có mạng lưới sông rạch rất dày đặc và nhiều vùng ngập nước rộng lớn. Hệ sinh thái vùng sông nước đã tạo nên nét riêng trong sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng. Thói quen xả rác xuống sông rạch của một bộ phận dân cư đã ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường sinh thái và các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn. Vì thế, để giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong tổ chức hoạt động du lịch tại các di tích và lễ hội ở vùng này, các cấp chính quyền địa phương, ngành du lịch và ban quản lý các di tích, ban tổ chức các lễ hội cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo đó, ngoài việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho cộng đồng địa phương và khách du lịch; ở một số điểm di tích, khuyến cáo du khách không mang các sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào khu vực và có chế tài xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần huy động từ các nguồn lực xã hội với sự trân trọng, tạo những điều kiện hỗ trợ, ưu đãi trong phát huy sáng kiến sáng tạo sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ đưa đến những thuận lợi cho hoạt động bảo vệ môi trường trước tình trạng ô nhiễm đáng báo động hiện nay ở ĐBSCL.

“Việc bảo vệ môi trường tự nhiên ở ĐBSCL nói chung, giảm thiểu ô nhiễm rác thải từ sản phẩm nhựa nói riêng tại các khu di tích, du lịch, địa điểm diễn ra lễ hội là việc làm cấp thiết, có ý nghĩa trong đời sống con người, bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên và hướng đến tương lai là nguồn tài nguyên trong chiến lược phát triển du lịch xanh. Các địa phương, các cơ quan chức năng, các cơ sở liên quan trong quản lý, điều hành đều có những quan tâm cụ thể. Tuy nhiên, để đạt được được hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ của chính quyền và người dân, từ những hình thức đa dạng phù hợp với đặc điểm tại chỗ cũng như các đánh giá cụ thể và tuyên truyền cho tất cả thành phần trong xã hội, cho du khách và được duy trì thường xuyên để trở thành tập quán trong đời sống, sinh hoạt”, nhà nghiên cứu Phan Đình Dũng, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM nhấn mạnh. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc